Trà Vinh: Mô hình lúa + cá lợi nhuận cao

10 năm trở lại đây, mô hình nuôi cá trên ruộng lúa được nhiều hộ nông dân Trà Vinh triển khai thực hiện đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần vào việc xây dựng thành công cánh đồng mẫu có thu nhập 50 triệu đồng/ha/ năm.

Theo một số nông dân, nuôi cá trên ruộng lúa không khó, điều cơ bản nhất để thực hiện mô hình này là người nuôi phải có những thửa ruộng gần kênh, rạch để chủ động được việc cấp và thoát nước khi cần thiết. Ruộng lúa nuôi cá phải dành khoảng 20% diện tích để đào mương sâu từ 1,2 m – 1,5 m và dành 80% diện tích còn lại để trồng lúa. Đặc biệt xung quanh ruộng nuôi cá phải được đắp bờ bao và che chắn một cách cẩn thận phòng nước tràn bờ thất thoát cá ra ngoài. Trước khi thả cá vào ruộng nuôi, cá giống nên nuôi trong vèo (lưới mùng) khoảng 20 ngày và thả với mật độ từ 4 – 5 con cá giống/ 1 mét vuông. Thời điểm thả cá giống vào ruộng lúa thường là vào mùa nước nổi, khi các hộ nông dân bắt đầu xuống giống vụ lúa thu đông. Nên chọn thả nuôi các loại cá có thời gian sinh trưởng ngắn, tương xứng với thời gian sinh trưởng của cây lúa khoảng từ 90 – 100 ngày, như loại cá rô, rô phi, mè vinh, chép để khi vừa gặt lúa xong là có thể thu hoạch cá ngay. Tính ra chỉ sau 3 – 4 tháng nuôi cá đã cho thu hoạch, với năng suất đạt trung bình từ 900 kg – 1,2 tấn/ha/vụ, sau khi trừ mọi chi phí người nuôi cũng có lãi từ 8 – 10 triệu đồng /ha/vụ.

Mô hình nuôi cá trên ruộng lúa đem lại lợi nhuận cao đã và đang được nhân rộng ở nhiều địa phương của Trà Vinh

Một lão nông cho biết, gia đình ông có 12 ha ruộng trồng lúa, ông thả nuôi 700 kg cá giồng (350 kg cá chép, 350 kg cá mè vinh loại 80 – 100 con/ kg). Sau 3 – 4 tháng thả nuôi, cá đạt trọng lượng 300 gram – 600 gram/con , thu hoạch đạt khoảng 12 tấn cá thịt, bán ra với giá 13.000 đồng/kg – 14.000 đồng/kg, trừ mợi chi phí, còn lời 90 triệu đồng – 100 triệu đồng/vụ. Mô hình nuôi cá trên ruộng lúa có ưu điểm là ít tốn chi phí đầu tư ban đầu, giảm được công chăm sóc vì sau 20 ngày thả, cá tự kiếm nguồn thức ăn trong tư nhiên như trứng ốc bươu vàng, sâu rầy, rong rêu…Chính vì thế đây được coi là mô hình xóa nghèo hiệu quả, vừa tang nguồn thu nhập cho nông dân trên cùng một diện tích canh tác, vừa bảo vệ môi trường sinh thái trên đồng ruộng. Bởi, đối với cây lúa khi cá ăn các loại sâu rầy, nhất là trứng ốc bươu vàng sẽ giúp cho nông dân hạn chế được việc dung thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra nuôi cá trên ruộng lúa, sau khi thu hoạch xong, cá để lại một lớp phân hữu cơ giàu dinh dưỡng, giúp cho vụ lúa kế tiếp giảm được chi phí về đầu tư phân bón và thuốc trừ sâu bệnh đem lại năng suất cao cho nông dân. Có thể nới, mô hình lúa + cá đã và đang mở ra cho nông dân nói chung và những hộ nghèo nói riêng một cơ hội, một hướng làm ăn mới vừa ít tốn vốn đầu tư, vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhanh chóng vươn lên thoát nghèo bền vững.                           

LƯƠNG ĐỊNH

Share:

Author: Admin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *