Tại tỉnh Trà Vinh, diện tích trồng lúa hữu cơ vụ thu đông 2019, đạt chuẩn quốc tế ở hai xã đảo Long Hòa và Hòa Minh của huyện Châu Thành bị thu hẹp do doanh nghiệp không tiếp tục ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Dự kiến vụ này, nông dân hai xã chỉ xuống giống khoảng 75 ha, giảm gần 50 ha so với vụ trước và giảm khoảng 150 ha so với vụ thu đông 2017.
Trong đó, vùng lúa hữu cơ đạt chuẩn quốc tế của xã Hòa Minh đang đứng trước nguy cơ xóa sổ, bởi năm nay, toàn xã chỉ còn 17 hộ xuống giống hơn 15 ha, giảm hơn 40 hộ với gần 29 ha so với vụ trước. Hầu hết các hộ này đã chuyển sang nuôi tôm càng xanh. Trước đó, mô hình sản xuất lúa hữu cơ sinh học được thí điểm thành công đầu tiên tại hai xã Long Hòa và Hòa Minh ở vụ thu đông 2015. Đến năm 2016, lúa hữu cơ sinh học đã được chứng nhận đạt chuẩn quốc tế EU, USDA và JA.
Khi có mô hình trồng lúa hữu cơ, các hộ nông dân trong xã rất vui mừng phấn khởi tham gia vì lúa hữu cơ tuy cho năng suất thấp hơn lúa thường nhưng chi phí sản xuất cũng thấp do hạn chế sử dụng phân bón, giá bán lại cao cho nên lợi nhuận thu được cao hơn trồng lúa ngoài mô hình từ hai đến ba triệu đồng/ha. Cụ thể, cây lúa trong mô hình giảm năng suất khoảng 1,1 tấn/ha so với sản xuất lúa thông thường, trong khi tổng chi phí sản xuất giảm 1,1 triệu đồng/ha, giá cao hơn lúa thường khoảng 2.000 đồng/kg. Ngoài ra, canh tác lúa hữu cơ còn tác động tốt đến môi trường đồng ruộng và nguồn đất, nguồn nước, góp phần làm trong lành không khí vùng nông thôn. Chính vì những giá trị đó, người dân vẫn mong muốn tiếp tục được trồng lúa theo hướng hữu cơ, nhất là trong điều kiện các mô hình này đã được chứng nhận đạt chuẩn quốc tế. Thời gian tới, các hộ nông dân mong muốn chính quyền tích cực tìm thị trường mới cho lúa hữu cơ của địa phương. Trước mắt là khôi phục lại các diện tích bị thu hẹp, sau đó mở rộng thêm để tận dụng tốt nhất lợi ích mà trồng lúa hữu cơ mang lại.
Phương Hà