Phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp: Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đáp ứng thị trường

Là tỉnh nông nghiệp, diện tích sản xuất của Trà Vinh trong lĩnh vực trồng trọt đạt trên 270.000ha/năm (lúa 210.000ha; cây ăn trái 21.000ha…); lĩnh vực nuôi thủy sản trên 50.000ha; tổng đàn gia súc gần 580.000 con (heo 320.000 con; bò, trâu 230.000 con, dê 21.500 con…); đàn gia cầm hơn 7,7 triệu con… Năm 2020, ngành nông nghiệp của Trà Vinh có sự phát triển vượt bậc với sự đóng góp của khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn, trong đó tập trung chính vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Qua đó, đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa nông sản, vật nuôi theo hướng thị trường; đáp ứng các yêu cầu về xuất khẩu trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới.

Mô hình trồng bưởi da xanh theo hướng VietGAP tại Tổ hợp tác bưởi da xanh ấp Ô Chích, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành. 

Phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ và công nghệ cao

Để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nông sản, đáp ứng nhu cầu của thị trường, ngành nông nghiệp đã huy động và tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch và nông nghiệp công nghệ cao. Kết quả toàn tỉnh hiện có khoảng 3.050ha diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ và sạch, gồm: 1.020ha lúa hữu cơ, 550ha dừa hữu cơ, 180ha cây ăn trái đạt tiêu chuẩn GAP, 300ha tôm sinh thái và khoảng 1.000ha nuôi nghêu đạt tiêu chuẩn MSC.

Theo ông Phạm Minh Truyền, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: để góp phần thúc đẩy nông nghiệp, nông dân, nông thôn tiếp tục phát triển, tận dụng những lợi thế trong tiến trình hội nhập, cần ứng dụng rộng rãi hơn nữa những thành tựu khoa học, kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, hướng đến xây dựng nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, hiệu quả và bền vững, có năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra mạnh mẽ, đổi mới khoa học – công nghệ là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp hiện nay.

Đến nay, việc sản xuất và ứng dụng một số công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp ở Trà Vinh đã mang lại hiệu quả đáng kể cho người sản xuất, như nuôi cấy mô thực vật nhân cây giống sạch bệnh trên cây dừa sáp, phân bón nano, hệ thống quan trắc – ứng dụng điện toán đám mây, hệ thống tưới nước tự động… đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và thu nhập cho người sản xuất, tạo bước đột phá trong quá trình thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Trong lĩnh vực khoa học nông nghiệp, từ năm 2015-2020 đã triển khai thực hiện 22 đề tài nghiên cứu (chiếm 41,5% các đề tài nghiên cứu khoa học của tỉnh). Qua đó, 15 đề tài/dự án được chuyển giao trong khoa học nông nghiệp.

Một số đề tài khoa học đã mang lại hiệu quả tác động tích cực vào sản xuất cũng như đời sống của người dân như: “Nghiên cứu xây dựng mô hình lai tạo và nuôi dưỡng bò lai hướng thịt tại huyện Trà Cú”, đã lai tạo giữa bò cái nền lai sind ở địa phương với bò Red Angus, Red Brahman và Droughtmaster bằng phương pháp gieo tinh nhân tạo, với 150 con bò lai F1 và số lượng bò lai F2 được nhân đàn ra hàng ngàn con cho nông dân huyện Trà Cú. Đề tài “nghiên cứu xây dựng và ứng dụng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh tại Trà Vinh”, đạt năng suất 22,5-31 tấn/vụ, tỷ lệ tôm sống đạt trên 80%…

Thông qua Trung tâm Khuyến nông tỉnh Trà Vinh đã triển khai nhiều mô hình thực nghiệm đến với nông dân để nhân rộng trên lĩnh vực thủy sản như “nuôi tôm càng xanh toàn đực 02 giai đoạn sử dụng chế phẩm sinh học quản lý môi trường”, “Ứng dụng công nghệ thông tin trong nuôi tôm thẻ thâm canh mật độ cao”. Trong lĩnh vực trồng trọt, với mô hình “Trồng bưởi da xanh sử dụng phân hữu cơ sinh học, tưới nước tiết kiệm”, “Lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa”, “Hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất cây đậu phộng theo hướng an toàn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm”, Dự án “Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và xây dựng mô hình nhân giống và trồng cam sành không hạt chất lượng cao tại Trà Vinh”… Trình diễn máy sạ lúa theo khóm, trồng rau an toàn trong nhà lưới sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm, canh tác lúa sử dụng phân bón thông minh (Rynan), trồng đậu phộng sử dụng phân bón thông minh chậm tan (Rynan) thích ứng biến đổi khí hậu, liên kết sản xuất hạt giống lúa thuần chất lượng cao phục vụ sản xuất lúa hàng hóa.

Nhiều kết quả nổi bật nhờ ứng dụng khoa học – công nghệ

Bên cạnh đó, việc mở rộng ứng dụng tiến bộ khoa học- công nghệ vào sản xuất cùng với kết quả nghiên cứu, đánh giá, triển khai mô hình cánh đồng lớn đã đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị. Mô hình cánh đồng lớn ngày càng nhiều, giá trị sản xuất trong trồng trọt đạt 130 triệu đồng/ha và nuôi thủy sản, đạt 360 triệu đồng/ha.

Tiến sĩ Lâm Thái Hùng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Trà Vinh cho biết: công tác triển khai đưa khoa học – kỹ thuật đến với nông dân về các kiến thức trong chăn nuôi, từng bước làm thay đổi tập quán chăn nuôi, hướng đến nền chăn nuôi kỹ thuật cao, ứng dụng tốt về chọn lọc giống, nâng cao tầm vóc, chất lượng thịt trên vật nuôi. Thông qua các đề tài/dự án nghiên cứu khoa học – công nghệ đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa nông sản trên thị trường trong nước và quốc tế; giải quyết bài toán “cực đoan” về biến đổi khí hậu… phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao đời sống của người dân.

Tiến sĩ Lê Quốc Điền, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật (Viện Cây ăn quả miền Nam) cho biết: đối với dự án Trung tâm đang thực hiện “Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và xây dựng mô hình nhân giống và trồng cam sành không hạt chất lượng cao tại Trà Vinh” sẽ có tác động tích cực trong nâng cao chất lượng cho vùng chuyên canh cây ăn trái ở huyện Cầu Kè. Hiện nay, đối với cam sành không hạt đang được thị trường hướng đến xuất khẩu, đặc biệt là làm nước giải khát; dự án sẽ giúp nhà vườn tiếp cận giống mới, kỹ thuật canh tác theo hướng hữu cơ và dần thay thế hình thức trồng “cam rau” (cam sành có hạt với mật độ dày 450-500 cây/1.000m2). Dự án cam sành không hạt được triển khai từ năm 2019, diện tích 20ha tại huyện Châu Thành (5,1ha/05 hộ) và huyện Cầu Kè (14,9ha/12 hộ); hiện cam đang vào giai đoạn xử lý ra hoa để cho trái; đây là một triển vọng lớn cho nhà vườn trồng cam sành truyền thống ở huyện Cầu Kè chuyển đổi, góp phần nâng cao giá trị trái cam sành trong thị trường xuất khẩu…

Đặc biệt, việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) ngày càng mở rộng và hiệu quả mang lại sản phẩm an toàn, chất lượng tốt, năng suất cao. Nét nổi bật của sản xuất nông nghiệp là hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với công nghiệp chế biến, việc ứng dụng khoa học – công nghệ sau thu hoạch tạo giá trị mới cho nông sản; các tiến bộ kỹ thuật được chuyển giao giúp sản phẩm tươi, an toàn, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng… Đặc biệt, từ năm 2019, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao phát triển đáng kể, hiện toàn tỉnh có 16.690ha diện tích sản xuất ứng dụng, chiếm 4,5% diện tích sản xuất nông nghiệp (sử dụng công nghệ tưới phun bán tự động 4.840ha, ứng dụng công nghệ nhà lưới và thủy canh 6,55ha, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và hữu cơ 960ha và nuôi thủy sản thâm canh và thâm canh mật độ  cao 10.880ha). Xây dựng và duy trì 26 nhãn hiệu nông sản.

Bài, ảnh: HỮU HUỆ

Share:

Author: Admin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *