Tại tỉnh Trà Vinh, mô hình lúa hữu cơ kết hợp nuôi tôm càng xanh ở xã Long Hòa, huyện Châu Thành hiện đã được ba doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
Theo đó, từ đầu tháng 8-2020, UBND xã Long Hòa kết nối được ba đơn vị ký kết hợp đồng sản xuất bao tiêu lúa hữu cơ ST 24, giá 10.200 đồng/kg với tổng diện tích 95 ha, gồm 112 hộ nông dân tham gia. Hiện, các hộ nông dân được ký kết sản xuất bao tiêu lúa hữu cơ đang làm đất để chuẩn bị xuống giống gieo sạ. Theo tính toán, bình quân, một héc-ta trồng lúa hữu cơ kết hợp nuôi tôm càng xanh cho lợi nhuận từ 150 đến 200 triệu đồng/năm. So với trồng lúa thông thường hay nuôi tôm thâm canh hai đến ba vụ/năm, thì cách làm này tạo ra sản phẩm sạch và bớt rủi ro hơn nhiều về kinh tế cũng như vấn đề dịch bệnh trên vật nuôi.
Trước đây, do chưa chủ động được đầu ra cho sản phẩm cho nên mô hình sản xuất lúa hữu cơ kết hợp nuôi tôm càng xanh gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự vận động của UBND xã cùng sự quyết tâm của bà con nông dân, mô hình vẫn được duy trì để đạt tiêu chuẩn nền ruộng lúa hữu cơ, là cơ sở quan trọng để các doanh nghiệp quyết định bao tiêu sản phẩm. Ðược biết, hiện các loại gạo sạch, đạt tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP đang được nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gạo quan tâm do nước ta đang hướng đến xuất khẩu gạo sang các thị trường chất lượng cao như châu Âu, Nhật Bản, Mỹ… Do đó, các mô hình trồng lúa đạt tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt như mô hình lúa hữu cơ kết hợp nuôi tôm càng xanh cần được nhân rộng hơn nữa tại nhiều vùng sản xuất, để bà con nông dân bớt nỗi lo về tiêu thụ sản phẩm cũng như giá bán sẽ ở mức cao, đem lại thu nhập ổn định hơn. Sự chuyển đổi này cũng giúp bà con nông dân thay đổi tư duy, chuyển từ sản xuất truyền thống theo kinh nghiệm sang sản xuất theo quy trình khép kín từ khâu làm đất, gieo sạ đến chăm bón, thu hoạch. Ðiều đáng nói là mô hình góp phần thay đổi cách thức sử dụng vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật vừa góp phần tạo ra sản phẩm sạch vừa bảo vệ môi trường đất ruộng cũng như môi trường sinh sống toàn vùng nông thôn.
Nhân Dân